Trong đó, Traphaco trực tiếp tổ chức trồng, sản xuất dược liệu actiso và bìm bìm; rau đắng đất được lựa chọn là cây thu hái tự nhiên đăng ký đạt GACP mà Traphaco là đơn vị chủ trì, hợp tác với đơn vị trực tiếp tổ chức sản xuất là Công ty TNHH TM - SX Hồng Đài Việt.

Cơ duyên với mảnh đất miền Trung

Nước ta có nguồn tài nguyên cây thuốc rất phong phú với trên 5.000 loài thực vật và nấm, tảo dùng làm thuốc với hàng nghìn bài thuốc. Thông thường bài thuốc dân gian gồm nhiều vị thuốc được chế biến từ nhiều dược liệu khác nhau có nguồn gốc từ nhiều địa phương. Nằm ở vị trí địa l‎ý thuận lợi, nước ta có nhiều vùng tiểu khí hậu đặc thù cho phát triển các các loài cây ôn đới, nhiệt đới, á nhiệt đới bản địa, nhưng đa số cây thuốc chỉ có thể phát triển ở một số vùng nhất định mới cho chất lượng tốt, có hiệu quả sử dụng để làm thuốc. Do vậy, để phát triển tốt một sản phẩm từ bài thuốc dân gian, thường phải tìm kiếm các nguồn dược liệu tốt từ nhiều vùng khác nhau. Mười năm trước đây, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Huy Văn đã tổ chức các chuyến khảo sát ở 35 tỉnh thành khắp các vùng miền của nước ta nhằm xác định địa điểm, cây thuốc và con người phù hợp để phát triển các vùng sản xuất 5 dược liệu actiso, rau đắng đất, bìm bìm, đinh lăng và chè dây, đầu vào của những dòng sản phẩm chủ lực của Traphaco. Trong số đó, rau đắng đất là một dược liệu có lịch sử phát triển khá đặc biệt.

Trả lại tên rau đắng đất

Rau đắng đất phát triển trên con đường chung – Con đường sức khỏe xanh

Ảnh minh họa

Cây rau đắng đất từ trước tới nay vẫn được thu hái tự nhiên với cái tên rau đắng bởi có vị đắng đặc trưng và được sử dụng làm rau nấu canh, ăn lẩu, nấu cháo..., cái tên rất dễ nhầm lẫn với rất nhiều loại rau và cỏ đắng khác như bạch hoa xà thiệt thảo, rau đắng biển, biển súc (cũng có tên rau đắng). Chính vì thế, không ít người thu hái, cơ sở thu mua và các cơ sở sản xuất thuốc đã từng nhầm lẫn. Traphaco là công ty nghiên cứu, xác định tên gọi chính xác và “trả lại tên cho dược liệu này” với tên dược liệu rau đắng đất (Herba Glini oppositifolii) trong dòng sản phẩm Boganic.

Nguồn rau đắng đất bền vững

Nguồn rau đắng đất trên thị trường trước kia được cung cấp từ các nhà cung ứng thu mua tại các tỉnh miền Nam. Khi đi khảo sát và đánh giá các cơ sở cung ứng tại các khu vực thu hái rau đắng đất Tây Ninh, Long An…, các cán bộ GreenPlan không thể yên tâm vì các cơ sở thu mua ở đây đều không đạt tiêu chuẩn về kho xưởng.

Trong một chuyến khảo sát dược liệu tại miền Trung, tình cờ trao đổi với phụ trách khu vực là Nguyễn Thị Minh Khiết, được biết cây rau đắng đất mọc nhiều ở các bãi sông và bờ ruộng ở Phú Yên, chị Khiết còn lấy mẫu cây đưa cho đoàn khảo sát xem. Đồng thời, ngay tại Phú Yên, năm 2013 nhóm cán bộ nghiên cứu của Traphaco đã trực tiếp đến thăm quan, khảo sát Trung tâm nghiên cứu và phát triển dược liệu miền Trung - Công ty TNHH TM-SX Hồng Đài Việt (Hồng Đài Việt).

Các cán bộ nghiên cứu đã hết sức ngỡ ngàng và khâm phục ý‎ chí, nghị lực, sự quyết tâm của hai vợ chồng Ks. Lê Thị Tuyết Anh và Ks. Hoàng Xuân Lâm. Hai nhà khoa học này đã biến 10ha đất cát, khô cằn trong nắng nóng miền Trung thành mô hình vườn thảo dược đa dạng và phát triển sản xuất ra các khu vực lân cận với những sản phẩm có chất lượng cao được thị trường châu Âu chấp nhận. Cuộc gặp gỡ là điểm khởi đầu cho quá trình hợp tác giữa Traphaco và Hồng Đài Việt, biến giấc mơ có nguyên liệu rau đắng đất bền vững của Traphaco trở thành hiện thực.

Từ năm 2015 trở đi, mỗi năm Hồng Đài Việt cung cấp cho Traphaco ít nhất 40 tấn dược liệu rau đắng đất đạt GACP-WHO phục vụ nhu cầu sản xuất của Traphaco. Sự hợp tác bền bỉ giữa hai bên đem lại nguồn thu ổn định cho hơn 30 hộ gia đình tại địa phương, giúp phát triển sản xuất của Hồng Đài Việt, đồng thời giúp khẳng định chất lượng, tăng doanh thu sản phẩm Boganic của Traphaco. Với quy trình khai thác cải tiến, nguồn rau đắng đất chuyển dịch từ thu hái hoàn toàn tự nhiên sang thu hái bán tự nhiên nhằm đảm bảo việc khai thác bền vững và chất lượng dược liệu ổn định.

Phát hiện chất mới từ rau đắng đất

Mặc dù đã có nguồn rau đắng đất tương đối ổn định về chất lượng, nhưng giá của dược liệu vẫn là một vấn đề đối với Traphaco, rau đắng đất đạt GACP mà Traphaco đang mua có giá cao gấp 3-4 lần so với giá rau đắng đất ngoài thị trường. Nhu cầu nâng cấp tiêu chuẩn và khẳng định chất lượng luôn thôi thúc cán bộ nghiên cứu của Traphaco. Từ năm 2015, Traphaco đã hợp tác với Viện dược liệu thực hiện đề tài “Nghiên cứu thành phần hóa học rau đắng đất Glinus oppositifolius (L.) A. DC., thuộc họ rau đắng đất -Molluginaceae” với nguyên liệu nghiên cứu được thu hái từ Bắc, Trung, Nam. Nghiên cứu đã thu được 4 kết quả tổng hợp:

- Trong rau đắng đất nghiên cứu có chứa các hợp chất chính thuộc nhóm saponin, flavonoid và tanin.

- Từ rau đắng đất nghiên cứu, chiết xuất, phân lập và xác định cấu trúc 11 hợp chất, trong đó có 1 hợp chất mới được phân lập từ tự nhiên (3-O-β-D-glucopyranosyl-28-[O-β-D- glucopyranosyl 2-methylete (1-3)-L-rhamnopyrannosyl)-spergulagenic acid) được ký‎ hiệu là RD180 và 5 hợp chất có cấu tạo khung triterpenoid khung hopan-được cho là nhóm hợp chất chính của rau đắng đất.
- Xây dựng được dấu vân tay hoá học cho dược liệu rau đắng đất thu hái ở 3 vùng khác nhau, với số lượng mẫu dược liệu lên đến 13 mẫu.
- Bản dự thảo nâng cấp tiêu chuẩn cơ sở cho dược liệu và cao chiết rau đắng đất với các chỉ tiêu định tính và định lượng.

Đặc biệt, có một sự trùng hợp tự nhiên: Hợp chất mới RD180 lại có hàm lượng nhiều trong rau đắng đất thu hái ở Phú Yên.

Liên tục hợp tác để đi xa hơn

Từ năm 2019-2020, với những kết quả nghiên cứu từ rau đắng đất, Traphaco tiếp tục hợp tác với các chuyên gia để đăng bài báo quốc tế và đăng ký sáng chế liên quan đến hợp chất mới RD180. Trong những công trình này RD180 được đặt tên là Traphanoside GO1, mang dấu ấn thương hiệu Traphaco. Sáng chế hợp chất Traphanoside GO1 - Saponin phân lập từ phần trên mặt đất của Rau đắng đất và phương pháp phân lập hợp chất này  đã có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ số 6438w/QĐ-SHTT ngày 28/5/2020. Bài báo quốc tế có tên “Traphanoside GO1, a new triterpenoid saponin from the aerial parts of Glinus oppositifolius with the inhibitory effect on PGE2 production in LPS-induced HepG2 cells” được đăng trên tạp chí Natural Product Research kể từ ngày 19/6/2020. Xem thêm tại đây.

Một số kết quả hết sức khả quan này cũng mở ra nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa để khẳng định giá trị của sản phẩm Traphaco. Cùng với sự hợp tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm trong tương lai, còn rất nhiều tiềm năng cần được đánh thức, các công dụng mới cũng như giá trị mới cần được khai thác từ sản phẩm Boganic tưởng chừng như không còn mới trên thị trường.

“Con đường sức khỏe xanh” của Traphaco cùng với những sản phẩm và dược liệu đặc thù rồi cũng sẽ đi ra con đường chung của dược liệu Việt Nam và đổ vào thị trường sản phẩm xanh trên thế giới. Những kết quả hợp tác nghiên cứu giống như những hành trang đi cùng, càng chuẩn bị tốt hành trang thì chúng ta sẽ càng đi được xa và hứa hẹn nhiều thành công lớn.