Theo nguồn : https://hellobacsi.com/mang-thai/thai-ky/suc-khoe-khi-mang-thai/hoi-chung-hellp-2/
Hội chứng HELLP: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị, phòng ngừa

Hội chứng HELLP: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị, phòng ngừa

Hội chứng HELLP là một biến chứng thai kỳ nguy hiểm nhưng hiếm gặp, xảy ra trong quá trình mang thai hoặc sau khi sinh. Đây được xem là một biến thể của chứng tiền sản giật. Phụ nữ mang thai mắc hội chứng HELLP thường phải sinh con sớm.

Tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để hiểu rõ hơn về hội chứng HELLP.

Hội chứng HELLP là gì?

 

Hội chứng HELLP là một chứng rối loạn đông máu và tăng men gan hiếm gặp nhưng đe dọa tính mạng trong thai kỳ. Phụ nữ mang thai mắc phải HELLP có các tế bào hồng cầu trong máu bị phá vỡ, xuất hiện các dấu hiệu tổn thương gan và có và số lượng tiểu cầu thấp.

Tình trạng này có thể xảy ra bất cứ lúc nào sau 20 tuần mang thai, nhưng cũng có thể phát triển trong tuần đầu tiên sau khi sinh và trong một số trường hợp hiếm hoi là xảy ra trước tuần thai thứ 20.

Khoảng 0,5 – 0,9% phụ nữ mang thai phát triển HELLP, trong đó, hầu hết các trường hợp mắc phải hội chứng này trước khi sinh con. Đa số phụ nữ mắc bệnh này từ tuần 27-37 của thai kỳ, số còn lại mắc bệnh trong vòng 48 giờ sau khi sinh.

Hội chứng HELLP thường được liên kết với tiền sản giật và sản giật. Tình trạng này phổ biến hơn ở những phụ nữ từng bị tiền sản giật nặng. Bệnh nhân mắc hội chứng HELLP có 19 – 27% nguy cơ phát triển hội chứng HELLP trong các lần mang thai tiếp theo.

Trong khi nhiều chuyên gia cho rằng hội chứng HELLP là một biến thể của tiền sản giật, vẫn còn nhiều tranh luận về việc liệu hội chứng HELLP là một dạng tiền sản giật nặng hay là một bệnh hoàn toàn riêng biệt.

Hội chứng HELLP được đặt tên dựa trên các đặc điểm của nó:

  • “H” – Hemolysis (tan máu): Là tình trạng các tế bào hồng cầu bị phá vỡ.
  • “EL” – Elevated liver enzymes (tăng men gan): Tăng men gan là dấu hiệu của tổn thương tế bào gan gây ra những thay đổi trong cách thức hoạt động của gan, làm tăng tốc độ phản ứng của cơ thể.
  • “LP” – Low platelets (giảm tiểu cầu): Tiểu cầu là các tế bào trong máu giúp máu đông lại để cầm máu.

Nếu không được điều trị sớm, người bị hội chứng HELLP có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Cách duy nhất để điều trị tình trạng này là sinh con càng sớm càng tốt. Sau giai đoạn được điều trị, người mẹ có thể hồi phục nhanh chóng.

Tỷ lệ tử vong của phụ nữ mắc hội chứng HELLP là 0 – 24%, với tỷ lệ tử vong chu sinh lên tới 37%.

 

 

Nguyên nhân gây ra hội chứng HELLP

Cho đến nay, vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng HELLP, nhưng được cho là một rối loạn viêm hệ thống. Hiện tượng tổn thương do thiếu máu cục bộ kích hoạt quá trình viêm hệ thống trong hội chứng HELLP.

Một tập hợp con của hội chứng HELLP là do rối loạn điều hòa bổ thể liên quan đến bệnh lý vi mạch huyết khối và có thể biểu hiện bằng hội chứng tan máu tăng ure máu liên quan đến thai kỳ (HUS).

Ngoài ra, sự thiếu hụt 3-hydroxyacyl CoA dehydrogenase chuỗi dài của thai nhi có thể góp phần vào cơ chế bệnh sinh của hội chứng HELLP: Quá trình oxy hóa axit béo bất thường của thai nhi và giải phóng các chất trung gian chuyển hóa vào tuần hoàn của người mẹ gây ra rối loạn chức năng gan và mạch máu.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Phụ nữ có nguy cơ cao mắc hội chứng HELLP trong trường hợp:

  • Bị tiền sản giật hoặc sản giật khi mang thai (Khoảng 20% phụ nữ bị tiền sản giật hoặc sản giật sẽ tiến triển thành hội chứng HELLP)
  • Từng mắc hội chứng HELLP trong lần mang thai trước đó
  • Có chị gái hoặc mẹ mắc hội chứng HELLP
  • Có tiền sử huyết áp cao khi mang thai
  • Mang thai khi trên 35 tuổi
  • Mang đa thai
  • Bị nhiễm SARS-CoV-2 khi mang thai

Bạn có thể xem thêm

Tiền sản giật trong thai kỳ: Mẹ cần biết gì về biến chứng nguy hiểm này?

Triệu chứng của hội chứng HELLP

 

Biểu hiện lâm sàng của hội chứng HELLP có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Phụ nữ có thể nhận thấy các triệu chứng của hội chứng HELLP khi đang mang thai hoặc ngay sau khi sinh con, bao gồm:

  • Đau bụng ở phía trên bên phải bụng (đau hạ sườn phải) hoặc xung quanh dạ dày hoặc đau giữa thượng vị
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Đau đầu
  • Mờ mắt
  • Mệt mỏi, khó chịu
  • Sưng (phù nề) chân
  • Tăng cân nhanh chóng
  • Huyết áp cao
  • Xuất hiện protein (đạm) trong nước tiểu (qua kết quả xét nghiệm)
  • Vàng da
  • Kích thước vòng bụng tăng

Trong những trường hợp hiếm hoi, phụ nữ mắc hội chứng HELLP cũng có thể có những triệu chứng như:

  • Chảy máu cam không kiểm soát
  • Co giật hoặc run cơ thể không kiểm soát được.

Các triệu chứng của hội chứng HELLP có thể trông giống như các tình trạng sức khỏe khác và thường trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm.

Một số phụ nữ có thể mắc hội chứng HELLP mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Do đó, hội chứng HELLP có thể khó chẩn đoán và thường bị chẩn đoán nhầm với các tình trạng khác như viêm dạ dày, cúm, viêm gan cấp tính và bệnh túi mật.

Biến chứng

Hội chứng HELLP không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng ở người mẹ, bao gồm:

  • Vỡ gan
  • Tụ máu gan
  • Suy gan tối cấp
  • Nhau bong non
  • Sinh non
  • Sản giật
  • Mổ lấy thai
  • Các vấn đề về đông máu như đông máu rải rác trong lòng mạch (DIC)
  • Giảm lưu lượng máu đến các cơ quan
  • Thiếu máu
  • Phù phổi
  • Phù não
  • Nhồi máu não
  • Xuất huyết não
  • Suy thận, tổn thương thận cấp tính
  • Chảy máu chu sinh nghiêm trọng
  • Nhiễm trùng huyết
  • Huyết khối tái phát
  • Tổn thương tim mạch
  • Bong võng mạc
  • Tử vong
  • Hội chứng thai chậm phát triển trong tử cung (IUGR)

Đối với trẻ sơ sinh, bản thân hội chứng HELLP không ảnh hưởng đến chức năng gan hay các cơ quan khác của bé. Tuy nhiên, do thai phụ mắc hội chứng HELLP thường phải sinh sớm nên trẻ sơ sinh có thể gặp phải các biến chứng như:

  • Giảm tiểu cầu sơ sinh, giảm bạch cầu, giảm bạch cầu trung tính
  • Tử vong chu sinh (tử vong trong vòng 7 ngày đầu sau sinh)
  • Hội chứng suy hô hấp.

 

Chẩn đoán

 

Hội chứng HELLP có thể khó chẩn đoán do các triệu chứng không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh và tình trạng sức khỏe của thai phụ, đồng thời đặt ra các câu hỏi liên quan đến những thay đổi về thể chất như:

  • Đau bụng, đặc biệt là ở phía trên bên phải
  • Chân bị sưng tấy

Thông thường, ở mẹ bầu mắc hội chứng HELLP, huyết áp có thể tăng cao và có thể có protein niệu nhưng đây không phải những yếu tố bắt buộc phải có. Bác sĩ sẽ chỉ định thai phụ thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán HELLP:

  • Đo huyết áp
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra công thức máu và số lượng hồng cầu, số lượng tiểu cầu…
  • Đo nồng độ bilirubin, protein
  • Xét nghiệm chức năng gan
  • Xét nghiệm nước tiểu và chức năng thận

 

Trong những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ cũng có thể yêu cầu mẹ bầu siêu âm hoặc chụp CT để kiểm tra xem gan có bị to hoặc chảy máu trong gan hay không.

Bạn có thể xem thêm

Xét nghiệm tiền sản giật: Cần thực hiện khi nào để có thai kỳ an toàn?

Phương pháp điều trị hội chứng HELLP

Đối với những phụ nữ mắc hội chứng HELLP trong thai kỳ, việc điều trị có thể bao gồm:

  • Nghỉ ngơi tại giường (ở nhà hoặc trong bệnh viện).
  • Đối với trường hợp bệnh nặng, bước đầu tiên là đánh giá tình trạng thai nhi bằng các xét nghiệm:
  • Truyền máu cho bệnh nhân thiếu máu nặng hoặc có số lượng tiểu cầu thấp.
  • Dùng magiê sulfat ngay khi nhập viện để ngăn ngừa co giật ở mẹ và bảo vệ thần kinh thai nhi.
  • Dùng thuốc hạ huyết áp đối với những bệnh nhân bị tăng huyết áp nặng (nifedipine uống hoặc nicardipine truyền tiêm tĩnh mạch…).
  • Một số trường hợp cần đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt và hỗ trợ lọc máu, thở máy, dùng thuốc vận mạch, kiểm soát cơn đau, theo dõi tình trạng thể tích và hỗ trợ dinh dưỡng.
  • Nếu gan bị vỡ, phẫu thuật ghép gan là cần thiết. Với những bệnh nhân ổn định hơn, phương pháp ít xâm lấn hơn có thể được áp dụng là thuyên tắc động mạch gan qua da.
  • Nếu hội chứng HELLP trở nên tồi tệ hơn và gây nguy hiểm cho sức khỏe của thai phụ và thai nhi, cách tốt nhất để can thiệp hội chứng HELLP là chấm dứt thai kỳ và sinh con ngay lập tức, thường xảy ra từ tuần thai 34.
  • Nếu thai kỳ đang trong giai đoạn từ 24-34 tuần, mẹ bầu sẽ được tiêm corticosteroid để giúp phổi của thai nhi trưởng thành, chuẩn bị cho bước sinh nở (nếu kịp, vì ít nhất mất 48h mới tiêm đủ liều trưởng thành phổi).
  • Bác sĩ có thể kích thích chuyển dạ sớm để sinh con. Khoảng 60% phụ nữ bị HELLP phải sinh mổ.
Có thể mất vài ngày sau khi sinh để khỏi hội chứng HELLP. Hầu hết phụ nữ đều cải thiện triệu chứng trong vòng 2 ngày sau khi sinh. Mặc dù vậy, sau khi sinh con, bệnh nhân cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ để đảm bảo bệnh đã được điều trị hoàn toàn.

Đối với những phụ nữ mắc hội chứng HELLP sau khi sinh con, bệnh nhân có thể được điều trị bằng thay huyết tương.

Phòng ngừa hội chứng HELLP

Thực tế, không có cách nào để ngăn ngừa hội chứng HELLP. Tuy nhiên, có một số biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ mắc hội chứng này:

  • Chăm sóc sức khỏe và thể chất tốt trước khi mang thai.
  • Ăn một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng gồm ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, trái cây và rau quả.
  • Tập thể dục vừa phải hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi đầy đủ. Tránh mất ngủ, căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
  • Khám sức khỏe định kỳ khi mang thai.
  • Theo dõi huyết áp và các dấu hiệu quan trọng khác khi mang thai để phát hiện sớm các vấn đề như HELLP.
  • Nói với bác sĩ về tiền sử mắc hội chứng HELLP, tiền sản giật, sản giật… của gia đình.
  • Nếu mẹ bầu có nguy cơ cao mắc hội chứng HELLP, bác sĩ có thể khuyên bệnh nhân nên dùng aspirin liều thấp sau tam cá nguyệt đầu tiên.